- Giới thiệu tổng quát
Lăng Tự Ðức hay Khiêm Lăng tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
- Tiểu sử vua Tự Đức
Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Thì . Ông là con thứ hai của vua Thiệu Trị và bà quí phi Phạm Thị Hằng, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu, tức 22 tháng 9 năm 1829. Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi, 1847, theo di chiếu của vua Thiệu Trị.
Vì Tự Đức là con thứ hai của vua Thiệu Trị, nên việc truyền ngôi cho ông đã gây nên một bi kịch trong hoàng tộc. Anh trai của Tự Đức là Hồng Bảo, tuy lớn hơn nhưng lại là con vợ thứ, bị vua Thiệu Trị nhận định là người ít học, ham chơi nên đã truyền lại ngôi cho Tự Đức.
Ngày Hồng Nhậm lên ngôi, Hồng Bảo uất ức ngất đi ở giữa triều đường. Sau đó Hồng Bảo âm mưu cùng một số người lấy lại ngai vàng. Hồng Bảo tung nhiều tin tức nói xấu Tự Đức, người ta ngờ Tự Đức không phải là con vua Thiệu Trị, mà chính là con của Trương Đăng Quế được đánh tráo để họ Trương chiếm ngai vàng. Âm mưu của Hồng Bảo bị bại lộ, Hồng Bảo bị hạ ngục và bị kết án tử hình.
Tự Đức tha cho anh trai nhưng cho lệnh giam lại. Về sau Hồng Bảo thắt cổ tự tử trong tù (có sách viết là bị ép uống thuốc độc) năm 1854. Cái chết của Hồng Bảo trở thành một nghi án. Vua Tự Đức sợ sau này sử không chép đúng sự thật nên tự kể lại cuộc đời của mình và cho khắc vào bia đá lớn. Ngày nay bia đá này vẫn còn ở trong lăng Tự Đức.Tự Đức là một người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Ông làm nhiều thơ chữ Hán, trong đó có bộ Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trǎm nhân vật trong lịch sử Việt Nam.
Tự Đức làm cả thơ chữ Nôm, những tập như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca. Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện ông giao thiệp với các nhà vǎn, các học giả đương thời. Ông rất thích lịch sử, đã chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, trong đó tự ông ghi nhiều lời bình luận.
Tự Đức rất yêu nghệ thuật, đã tập trung về kinh đô Huế nhiều người soạn kịch bản tuồng, và cho soạn những vở tuồng lớn như Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy. Tự Đức được người đời ca ngợi là ông vua có hiếu. Dù làm vua, ông luôn luôn kính cẩn, vâng lời mẹ dạy. Ông ghi chép các lời rǎn của mẹ vào một cuốn sách đặt tên là cuốn Từ huấn lục. Thậm chí khi thấy mình phạm tội, ông còn nằm ra, đặt roi trên chiếc mâm son để chờ bà Từ Dũ trừng phạt.
Tự Đức cũng được đánh giá là một vua tốt, chăm chỉ xem xét mọi việc triều chính không hề trễ nải, và được các quan trong triều nể phục.
Tự Đức còn là ông vua nhu nhược, hèn nhát. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc để mất Nam kì Lục tỉnh, Bắc kì dẫn đến mất cả nước về tay Thực dân Pháp sau này. Quân Pháp đến đến lúc đánh lúc hàng, gặp việc không quả quyết, lại nghe lời phái chủ hòa nên nhiều lần ra lệnh quan quân thoái lui.
Tự Đức lên làm vua trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn và phức tạp. Thiên tai liên tiếp: hạn hán, bão lụt, nạn châu chấu phá hoại mùa màng. Sau sự việc Hồng Bảo đã xảy ra vụ loạn Chày Vôi. Đoàn Hữu Trưng là rể của Tùng Thiện vương (tức là em rể họ của Tự Đức) đã nổi lên gây cuộc binh biến nhằm lập Hoàng tôn Ưng Đạo, con của Hồng Bảo lên ngôi. Tự Đức suýt bị giết và sau khi dập tắt cuộc bạo loạn, ông đã cho xử tử cả nhóm Đoàn Trưng và mẹ con Ưng Đạo (là chị dâu và cháu của ông).
Sau đó trong nước còn xảy ra nhiều vụ loạn lạc khác. Phía Bắc, có cuộc nổi lên của Lê Duy Cự và Cao Bá Quát. Nhóm khởi nghĩa cùng lúc có nạn châu chấu phát sinh phá hoại mùa màng, nên người ta cũng gọi là giặc châu chấu. Tiếp theo đến giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, gọi chung là giặc Tam Đường. Triều đình đã phải rất vất vả mới dẹp được.
- Quá trình xây lăng
Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn , là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm võ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới mất.
- Toàn cảnh lăng
Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp cao thấp hơn nhau chừng 10m. Nhưng, các hệ thống bậc cấp lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch Bát Tràng đã nối tất cả các công trình kiến trúc lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi.
Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc.
Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường - nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm - nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.
Nếu nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ bên kia đều được xây bằng gạch, đá. Ðáng để ý nhất là tấm bia lớn nhất Việt Nam cao chừng 5m, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố với cột to, vách dày và xây cửa cuốn. Các nhà kiến trúc đã cho xây Bi đình bằng vật liệu và kiểu thức như vậy là dùng để chống chọi với thời gian. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch và chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt bốn mùa.
Ngoài ra, hệ thống tháo thoát trong toàn lăng tẩm đã được thiết kế, xây dựng một trình độ cao, và lưu thông rất tốt. Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc trong từng khu vực ở lăng Tự Ðức đã phá bỏ hệ thông lệ giữ gìn sự đối xứng từng cổ điển ở một số lăng khác. Tại đây còn có những lối đi uốn lượn mềm mại theo thế đất tự nhiên hoặc do bàn tay con người tạo dáng. Ðường nét kiến trúc thật phóng khoáng, hài hòa thiên nhiên có sẵn, hoặc cải tạo lại cho phù hợp với nghệ thuật kiến trúc phong cảnh.
Nếu phá vỡ sự đối xứng cũng là một nét đẹp trong nghệ thuật thì lăng Tự Ðức có thêm nét đẹp đó. Kiến trúc và thiên nhiên ở đây gây được nhiều cảm xúc thẩm mỹ mới lạ cho người đến tham quan, và phản ánh được tâm hồn lãng mạn trữ tình của một ông vua thi sĩ.
Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một "hồn êm thơ mộng".